Nhắc đến đất nước và con người Nhật Bản, ta nhắc đến những quy cách lịch sự, nét tinh tế trong từng cử chỉ, hành động nhỏ nhất. Điều này thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó không thể không kể đến văn hóa bàn ăn của người Nhật.
Hãy tôn trọng chủ nhà và tôn trọng bữa ăn
Nếu bạn là khách, hãy ngồi theo sự hướng dẫn của người phụ trách hoặc người lãnh đạo. Khi được mời ăn tại gia đình, hãy ngồi tại vị trí mà chủ nhà chỉ. Nếu không được hướng dẫn thì hãy là người ngồi vào vị trí cuối cùng. Trong văn hóa bàn ăn của người Nhật, họ rất tôn trọng chủ nhà. Tất cả mọi người phải đợi chủ nhà, người lãnh đạo uống trước. Sau khi chủ nhà hoặc người lãnh đạo nói “Cạn chén” thì mọi người sẽ cùng uống.
Với những ai đã quen thuộc với bộ phim Nhật Bản, trước bữa ăn họ sẽ nói “Itadakimasu”. Câu nói này là lời cảm ơn đến các loài thực vật, động vật phải đánh đổi mạng sống. Câu nói còn thể hiện sự biết ơn những người nông dân, săn bắt, người đã làm ra bữa ăn này. Nếu dịch ra Tiếng Việt thì có thể hiểu là ” Cảm ơn vì bữa ăn” hoặc “Chúc ngon miệng”.
Người Nhật còn rất tôn trọng bữa ăn khi không để lại thức ăn thừa trong bát, trên đĩa. Ở nhà hàng, nếu không thể ăn hết, họ sẽ không ngần ngại mà gói đem về. Người Việt thường lãng phí đồ ăn, và coi việc bỏ thừa một ít thức ăn là lịch sự. Điều này người Việt cần phải học hỏi rất nhiều.
Chuyện đôi đũa và những điều cần tránh
Mặc dù người Nhật và người Việt đều dùng đũa khi ăn nhưng có rất nhiều điểm khác nhau. Người Nhật rất tỉ mỉ, để ý những chi tiết nhỏ nhặt, kể cả cách cầm đũa. Cầm đũa phải theo một nguyên tắc và các bước nhất định. Trong văn hóa bàn ăn của người Nhật, sau đây là những điều cần tránh khi dùng đũa:
- Chuyền thức ăn từ đôi đũa này sang đôi đũa khác. Trong truyền thống lễ an táng của người Nhật, sau khi hỏa táng, theo phong tục, xương của người chết sẽ được người trong gia đình chuyền từ đôi đũa này sang đôi khác. Chính vì vậy mà người Nhật luôn tránh để hai đôi đũa tiếp xúc trực tiếp trong bữa ăn.
- Ngậm đũa vào miệng để dùng tay làm việc khác. Hành vi này được coi là rất xấu trong bữa ăn. Khi muốn rảnh tay để làm gì đó trong lúc ăn, đôi đũa phải được gác ngay ngắn trên gác đũa.
- Dùng đầu đũa cắm xuyên qua miếng thức ăn, chọc đũa vào thức ăn. Đây được coi là có ý xúc phạm đến người đã nấu món ăn.
- Gác đũa lên ngang miệng chén. Gác ngang đôi đũa lên trên miệng chén cơm có nghĩa là “tôi không cần nữa”. Đây là một sự xúc phạm đến người đã nấu món ăn. Khi không dùng đến, đôi đũa phải được gác ngay ngắn lên hashioki.
- Cắm đôi đũa thẳng đứng trên chén cơm. Đây là hình ảnh chỉ có trên bàn cơm cúng vong linh người chết theo nghi thức Phật giáo.
Bạn sẽ không thấy lọ tăm trên bàn vì…
Chắc hẳn khi dùng xong bữa tại các gia đình hay nhà hàng Nhật, bạn sẽ thắc mắc điều này. Bạn sẽ tự hỏi người Nhật cẩn thận, tinh tế như vậy, sao lại có sự thiếu sót cơ bản? Sự tinh tế và cẩn thận trong văn hóa bàn ăn của người Nhật theo một cách khác này sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên. Chủ yếu các nhà hàng sẽ để tăm trong nhà vệ sinh. Bởi lẽ phụ nữ Nhật Bản rất ngại dùng tăm trước mặt người khác. Ở Việt Nam thì ăn xong xỉa răng là chuyện rất bình thường. Còn đối với người Nhật, khi thức ăn bị mắc vào răng, họ sẽ khéo léo vào nhà vệ sinh, soi gương và dùng tăm.
Những nguyên tắc khác cần chú ý trong văn hóa bàn ăn của người Nhật
- Tránh dùng răng cắn đôi miếng thức ăn: Bạn nên ăn cả miếng và tránh dùng răng xé nhỏ. Các món ăn Nhật thường được chia làm nhiều phần rất vừa miệng. Trong văn hóa bàn ăn của người Nhật, đây bị coi là bất lịch sự. Bạn có thể che miệng lại khi nhai những miếng to.
- Hãy để tay lên bàn thay vì để lên đùi, chân.
- Khi nhai hãy nhai nhỏ nhẹ, tránh phát ra âm thanh lớn.
- Đưa bát cơm lên ngang tầm miệng, không thấp quá hoặc cao quá.
Xem thêm: Xu hướng thiết kế nhà hàng Nhật Bản – Hiện đại kết hợp truyền thống