Trong hoạt động kinh doanh của nhà hàng, vì nhiều lý do khác nhau như tiền thuê mặt bằng tăng, giá nguyên vật liệu tăng, quy mô và không gian được nâng cấp,.. thì việc tăng giá trong menu là điều không thể tránh. Nhưng làm sao để tăng giá thực đơn một cách hợp lý, không bị mất khách luôn là câu hỏi khiến chủ nhà hàng đau đầu. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi khám phá 5 cách tăng giá menu không lo mất khách cho nhà hàng.
Thông báo và giải thích rõ nguyên nhân tăng giá cho khách hàng
Khách hàng rất khôn ngoan, đặc biệt là trong vấn đề giá cả, vì vậy chủ nhà hàng cần thông báo và giải thích nguyên nhân tăng giá một cách thành thật và tích cực. Dù nguyên nhân tăng giá là gì thì bạn cũng nên thành thật với khách hàng để tăng độ uy tín, khiến họ tin tưởng hơn vào nhà hàng. Khách hàng đôi khi sẽ có những phản ứng trái chiều về việc tăng giá, tuy nhiên việc công khai giá mới cũng như đưa ra lý do hợp lý khiến họ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này hơn. Chủ nhà hàng cần lưu ý không lấy bừa một lý do nào đó để giải thích cho việc tăng giá, bởi điều này vô tình khiến khách hàng bỏ đi vì thấy nó thật khó chấp nhận. Nếu không xử lý tốt vấn đề này, rất có thể những tin đồn không hay về việc nhà hàng tăng giá đột ngột sẽ xuất hiện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của nhà hàng.
Lựa chọn chính xác thời điểm tăng giá
Ngoại trừ một số trường hợp gấp cần tăng giá mà nhà hàng không thể thay đổi được, hãy chủ động lựa chọn thời điểm tăng giá sao cho hợp lý, tránh làm mất lòng khách hàng. Ví dụ như vào các dịp lễ, Tết, lượng khách tới quán tăng cao khiến cho quán phải vận hành vượt công suất, nhân viên vất vả hơn, chủ nhà hàng có thể nâng giá lên một mức nhất định vì đội ngũ nhà hàng phải làm việc nhiều hơn bình thường. Trong hoàn cảnh cảnh này, khách hàng hoàn toàn thoải mái chấp nhận trả mức giá cao hơn để được phục vụ vào những ngày quán nào cũng đông khách.
Đưa ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng
Rất nhiều khách hàng dù biết lý do tăng giá là chính đáng và đã nhận được thông báo về thay đổi trong giá bán nhưng họ vẫn không sẵn sàng chấp nhận mức tăng mà bạn đưa ra. Vì thế, để hoạt động kinh doanh của nhà hàng được thuận lợi sau khi tăng giá, hãy cân nhắc việc đưa ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Thay vì áp đặt một mức giá cố định cho món ăn, hãy để khách hàng có các lựa chọn khác nhau tương thức với nhiều mức chi trả tương ứng với mỗi khẩu phần ăn. Ví dụ, bạn có thể giữ nguyên giá món ăn nhưng giảm định lượng hoặc định lượng không đổi nhưng giá sẽ nhỉnh hơn. Điều này không chỉ giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định gọi món phù hợp mà còn mang đến cảm giác thoải mái khi họ được chủ động chọn lựa.
Bên cạnh đó, nhà hàng có thể đánh vào tâm lý thích giảm giá của khách để khách vui vẻ dù mua đồ tăng giá. Nhà hàng sẽ thông báo mức giá mới cho món ăn, sau đó giảm từ 5-10% (vẫn cao hơn giá cũ). Lúc này khách hàng sẽ cảm thấy vui vẻ vì mua được món ăn với giá hời và không còn quá để tâm đến việc giá đã tăng lên.
Gửi lời cảm ơn tới khách hàng
Khi quyết định tăng giá, thông thường các nhà hàng sẽ gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì đã khiến họ cảm thấy bất ngờ hoặc không hài lòng với sự thay đổi này. Tuy nhiên, bên cạnh việc xin lỗi thì các nhà hàng cũng nên cảm ơn thực khách vì đã tin tưởng quán trong thời gian qua, kể cả khi quán có sự thay đổi về giá. Việc nói lời cảm ơn mang lại sự tích cực, khiến khách hàng cảm thấy họ có vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà hàng, từ đó dễ dàng thông cảm với chuyện tăng giá vì đó là điều khó tránh. Không chỉ vậy, khi nhận được lời tri ân từ nhà hàng, khách hàng cũng cảm thấy sự ủng hộ mình dành cho quán được ghi nhận và tôn trọng. Dù là cảm ơn hay xin lỗi thì cũng nên xuất phát từ thật lòng, không nên đặt khách hàng vào “thế đã rồi”, ép họ phải chấp nhận và thông cảm cho quán, việc này có thể làm khách hàng quay lưng lại với nhà hàng.
Tăng thêm giá trị cho món ăn
Khách hàng là những người luôn nhạy cảm về giá, thậm chí có những người chỉ lựa chọn món ăn dựa trên giá cả. Chính vì vậy, việc tăng thêm giá trị của món ăn cùng lúc với tăng giá bán là điều vô cùng quan trọng. Để tăng giá menu không mất khách, hãy nâng cao chất lượng món ăn, bổ sung những giá trị mới để thuyết phục khách hàng trả nhiều tiền hơn cho cùng một món ăn. Khách hàng sẽ cảm thấy không hài lòng khi phải trả thêm một số tiền nhưng món ăn không có sự cải thiện về chất lượng. Giá trị món ăn có thể đến từ việc tăng thêm lượng thức ăn, đa dạng món ăn kèm, sử dụng nguyên liệu tốt hơn để chế biến và cả cách bạn phục vụ món ăn đó. Chủ nhà hàng cần khéo léo để cho khách hàng thấy được giá bán bạn đưa ra là phù hợp và tương ứng với giá trị mà khách hàng nhận được thông qua món ăn đó.
Trước khi quyết định tăng giá menu, chắc chắn nhà hàng nào cũng sẽ trải qua quá trình đắn đo và cân nhắc làm sao để mức giá mới vừa làm hài lòng khách vừa đảm bảo lợi nhuận. Hãy thật cẩn trọng để tăng giá menu không mất khách và xây dựng được mối quan hệ gắn bó với họ để tạo nên thành công cho nhà hàng của bạn. Theo dõi nhahangdep để cập nhật thêm nhiều kiến thức hay về quản lý nhà hàng!